Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, chúng ta lại tưởng nhớ đến chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, một danh nhân văn hóa xuất sắc của nhân loại. Bên cạnh sự nghiệp cách mạng, Người còn có một sự nghiệp văn học vĩ đại mà nổi bật trong lĩnh vực thơ ca là tác phẩm “Nhật kí trong tù”. Nhân dịp này, tôi xin giới thiệu đến quý thầy cô cùng toàn thể các bạn học sinh tập thơ rất có ý nghĩa ấy .
Nhật ký trong tù là một tập thơ của Hồ Chí Minh, viết từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943, trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp các nhà giam ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Nguyên gốc tập thơ chỉ là một quyển sổ tay nhỏ bìa xanh đã bạc màu, có ghi bốn chữ “Ngục trung nhật ký” (tức Nhật ký trong tù) kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích; bên trong gồm 133 bài thơ chữ Hán và một số ghi chép. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là một kho tàng về biết bao khía cạnh của cuộc đời, con người và nghệ thuật mà sự phong phú còn cần được tiếp tục nghiên cứu”. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học có giá trị lớn, mà còn là một văn kiện lịch sử quan trọng, thể hiện tư tưởng, tình cảm của người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hoá thế giới và có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với nhiều thế hệ người Việt Nam. Cuốn sách Nhật ký trong tù đã được Nhà xuât bản Thời Đại xuất bản vào năm 2014, khổ cỡ 10×15,5cm dày 159 trang. Trang bìa của cuốn sách được họa sĩ Mai Hoa thiết kế rất trang trọng. Nổi bật trên nền vàng là dòng chữ tên tác giả và nhan đề của tập thơ, phía dưới là 4 chữ Hán màu đỏ(Ngục trung nhật kí) cùng họa tiết hoa sen – một loài hoa gắn liền với quê hương Bác, loài hoa mang biểu tượng của sự thanh cao, giản dị như chính tâm hồn Bác
Nội dung cuốn sách gồm bài thơ đề từ cùng 121 bài thơ bằng chữ Hán được lựa chọn từ tập “Nhật kí trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi bài đều có 2 phần phiên âm và dịch thơ, cuối mỗi bài thường có chú thích ngắn gọn giúp người đọc dễ dàng tìm hiểu. Phần sau cuốn sách còn giới thiệu thêm 11 bài thơ khác của Bác được viết bằng Tiếng Việt rất gần gũi gắn bó với học sinh chúng ta .
Đến với cuốn sách là ta đến với một tâm hồn phong phú, cao đẹp của người tù vĩ đại lúc nào cũng nóng lòng, đau đáu hướng về Tổ quốc :
“Một canh…hai canh…lai ba canh…
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”
(Không ngủ được” – Trang 74)
Ta còn thấy tinh thần, ý chí, khát vọng tự do cháy bỏng, mãnh liệt luôn cháy trong tâm thức người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh dù đang phải chịu cảnh lao tù, xiềng xích. Điều ấy ta có thể bắt gặp ngay trong lời thơ đề từ ở trang 3 cuốn sách, hay ở trang 78 với bài thơ “Nghe tiếng giã gạo”và trong nhiều bài thơ khác đã rất quen thuộc:
“ Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công “
Ta cũng bắt gặp trái tim tràn ngập tình yêu thương, sẻ chia, đồng cảm, trước nỗi đau của con người. : ” Oa… Oa… Oa… / Cha trốn không đi lính nước nhà / Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi / Phải theo mẹ đến ở nhà pha” ( Cháu bé trong ngục Tân Dương- Trang 93 ).
Ta còn nhận ra một tâm hồn luôn rung cảm trước thiên nhiên dù thân thể bị giam trong bóng tối nhà lao, nhưng tâm hồn Bác luôn hướng ra ánh sáng để cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên, của ánh trăng:
“Người ngắm trăng soi ngoài của sổ
Trăng nhòm khe cửa ngăm nhà thơ” ( Ngắm trăng – Trang 24).
Người không chỉ ghi lại những gì đã trải qua mà đằng sau những áng Đường thi bất hủ đó là tinh thần, là tấm lòng, là bản lĩnh, là phong thái của người chiến sĩ cộng sản. Chính vì vậy, Nhật ký trong tù đã trở thành tác phẩm lớn có giá trị sâu sắc về nội dung cũng như nghệ thuật trong nền văn học Việt Nam được đưa vào trong các cấp học từ THCS trở lên. Trong chương trình THCS hiện nay, Chương trình Ngữ Văn 8 cũng có hai bài thơ chữ Hán được trích từ tập thơ này( Ngắm trăng và Đi đường). Ngoài ra ở phần cuối cuốn sách,thầy cô và các bạn có thể tham khảo một số bài thơ tiếng Việt của Người cũng đã được đưa vào chương trình như Cảnh khuya(Ngữ văn 7), Tức cảnh Pác Bó( Ngữ văn 8) hay Thư trung thu 1951…
Kính thưa quý thày cô cùng các em học sinh yêu quý !
Bác đã đi xa nhưng những gì mà Bác để lại cho chúng ta vô cùng quý giá, hình ảnh của Bác luôn hiện hữu trong tâm hồn chúng ta. Đọc cuốn sách này chúng ta càng yêu quý và tự hào hơn vị lãnh tụ tài ba, kiệt xuất, một danh nhân văn hóa của thế giới. Hình ảnh Bác luôn sống mãi với thời gian, sống mãi trong trái tim nhân loại cũng như là tập Nhật ký bằng thơ của Bác vậy.
Hy vọng cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô và các bạn trong giảng dạy và học tập.
Xin trân trọng cảm ơn các thày cô giáo, các em học sinh đã chú ý lắng nghe!